Đồng Nai: Không có tên trong quyết định cưỡng chế, 3 hộ dân bị phá bỏ nhà?

Vừa qua, tòa soạn nhận được đơn kêu cứu của bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ tại phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) về việc UBND phường Tân Phong cưỡng chế nhà, đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo nội dung đơn, sau khi giải phóng miền Nam, năm 1978, gia đình ông Nguyễn Văn Tể, bà Lý Ngọc Sương (cha, mẹ của bà Nguyễn Thị Hòa) đã quay trở lại khu Phi Trường (xã Tân Phong cũ), nay là Tổ 39A, KP 11A, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Do khu đất này sau khi giải phóng bị bỏ hoang nên gia đình ông Tể. bà Sương cùng một số người khác đã tiến hành khai hoang, tháo gỡ bom đạn và sản xuất canh tác.

Năm 1988, bà Lý Ngọc Sương, có kê khai đóng thuế diện tích đất khai hoang 1 ha và được chính quyền địa phương lúc đó là xã Tân Phong chứng nhận.

Theo người dân, trong suốt thời gian gần 40 năm sinh sống và canh tác, không xảy ra tranh chấp, không có cơ quan hay đoàn thể nào đến cản trở. 3 hộ dân là bà Nguyễn Ngọc Thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiền, và bà Nguyễn Thị Hòa, có xây dựng căn nhà cấp 4 để ở và làm quán bán hàng.

Căn nhà của bà H., trước khi bị phá bỏ.

Ngày 28/11/2017, UBND phường Tân Phong tiến hành cưỡng chế theo Quyết định cưỡng chế số 250/QĐ-CCXP đối với ông Nguyễn Văn Tể với lý do: Ông Tể đã có hành vi lấn chiếm đất đai tại Khu 46ha (thuộc Khu phố 11A, phường Tân Phong) do Lữ đoàn Tăng thiết giáp 26 (Quân khu 7) quản lý.

Điều đáng nói, theo Quyết định 250, đối tượng cưỡng chế là ông Tể thế nhưng khi tiến hành cưỡng chế, Đoàn cưỡng chế lại phá bỏ luôn căn nhà của bà Hòa, bà Thảo, ông Hiền, nằm liền kề đó mà không hề có thông báo, quyết định về việc cưỡng chế.

Trao đổi với PV, bà Hòa, cho biết, từ khi gia đình bà đến đây khai hoang và canh tác không hề hay biết đất này là đất của quân đội mãi cho đến khi có Quyết định cưỡng chế của UBND phường Tân Phong đối với ông Tể.

“Gia đình tôi đã sinh sống và canh tác ở đây gần 40 năm, không xảy ra tranh chấp, không có cơ quan hay đoàn thể nào đến thông báo gì, mãi cho đến khi có Quyết định của UBND phường Tân Phong về việc cưỡng chế đất để trả cho Lữ đoàn tăng thiết giáp 26”, bà Hòa cho biết.

“Khi đến cưỡng chế, Đoàn cưỡng chế lại phá bỏ luôn căn nhà của tôi trong khi tôi không có tên trong quyết định, không có thông báo, quyết định cưỡng chế đối với nhà tôi. Hơn nữa, trong khi tôi đang đi bệnh viện chữa bệnh, không có ai ở nhà thế nhưng Đoàn cưỡng chế vẫn phá khóa cửa, lấy hết đi tài sản và phá bỏ nhà tôi”, bà Hòa bức xúc.

Điều đáng nói, sau khi bị cưỡng chế, gia đình bà Hòa, có làm đơn xin dựng tạm lại căn nhà bằng tôn lá để tạm trú và buôn bán kiếm sống qua ngày và cũng có nơi để bà Hòa, nghỉ ngơi để chữa trị bệnh u não, đồng thời chờ hướng giải quyết từ phía cơ quan chức năng. Thế nhưng, đề nghị này cũng không được UBND phường Tân Phong chấp nhận.

Không có tên trong Quyết định cưỡng chế, nhà bà H., vẫn bị phá bỏ.

Đối với vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Hiệp – Nguyên Thường trực tiếp công dân của Văn phòng Chính phủ – Đoàn luật sư TP.HCM nhận định, ngày 19/10/2017, UBND phường Tân Phong lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (số 02/BB-VPHC) đối với ông Nguyễn Văn Tể do ông Tể “đã có hành vi trồng cây tràm, trồng cọc bê tông, giăng hàng rào kẽm gai thay đổi hiện trạng”. Sau đó, ngày 23/10/2017, UBND phường Tân Phong có Quyết định số: 243/QĐ-XPVPHC phạt ông Tể 4 triệu đồng và “buộc ông Tể khôi phục lại nguyên hiện trạng đất ban đầu”.

Quyết định cưỡng chế số 250/QĐ-CCXP ngày 02/11/2017 của UBND phường Tân Phong là cưỡng chế đối với ông Nguyễn Văn Tể nhưng đoàn cưỡng chế đã cưỡng chế nhà bà Hòa bà Thảo và ông Hiền. Hay nói cách khác là quyết định cưỡng chế người này nhưng lại đi phá nhà và chở hết đồ đạc của nhà người kia.

“Ông Tể có hành vi trồng cây, chôn cọc thì cưỡng chế bắt ông Tể nhổ cây, nhổ cọc. Nhà bà Hòa, bà Thảo và ông Hiền khi dựng lên, quá trình sử dụng không có biên bản xử phạt, không có quyết định cưỡng chế 03 nhà này. Tiện thể cưỡng chế việc ông Tể nên cưỡng chế phá luôn 03 nhà của bà Hòa, bà Thảo, và ông Hiền là sai”, luật sư Hiệp phân tích.

Theo Cao Ánh/Gia Đình & Pháp Luật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *