Nhà cho cha mẹ

– “Khi nào con lớn, con sẽ xây cho cha mẹ một ngôi nhà thật to!” 

– “Cứ học cho giỏi đã!”

Dù cha mẹ không tin là thật nhưng mong muốn được tặng cha mẹ một căn nhà to đẹp thời ngây ngô ấy sẽ đi theo con suốt cả cuộc đời.

Maison A cũng ra đời vì ước mơ đẹp đẽ đó, đây là món quà mà người con trai lập nghiệp xa quê tặng cho cha mẹ với mong muốn ngôi nhà sẽ giúp anh chăm sóc và bảo vệ những bậc sinh thành.

Bởi nhà đâu chỉ là nơi để ở, nó còn là nơi con người trải nghiệm và tạo ra những giá trị nhân sinh đẹp đẽ.

Trao đổi với kiến trúc sư, anh mong muốn ngôi nhà sẽ là một không gian tiện nghi thoáng đãng, hòa hợp với tự nhiên nhưng phải an toàn và phù hợp cho sinh hoạt của người lớn tuổi, nơi cha mẹ an hưởng tuổi già cũng là nơi sum họp của con cháu vào những dịp lễ tết.

Một bài toán khó sẽ đem đến những cách giải hay, đối với Maison A, không đơn giản chỉ là câu chuyện xử trí mặt bằng nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng của gia chủ, mà còn phải tính toán làm sao để không gian ấy được hài hòa giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, đồng thời đảm bảo cả tính thẩm mỹ.

Đáp án trọn vẹn

Hiểu đề bài là cách duy nhất để giải đúng, vì thế, kiến trúc sư không chỉ lắng nghe nguyện vọng của người đem tặng, anh còn chắt lọc cả những mong muốn của người được nhận để thực hiện Maison A. Thêm cả để ý thói quen sinh hoạt của gia chủ và nắm bắt các đặc điểm tự nhiên của địa phương và cuối cùng gửi lại gia chủ một đáp án trọn vẹn: Ngôi nhà của sự kết nối.

Kết nối gia đình

Giữa cha mẹ và con trai, dù không thể sống cùng nhau nhưng ông bà vẫn sẽ hiểu được sự quan tâm chu đáo của người con hiếu thảo dành cho mình qua những chủ ý sắp đặt của kiến trúc sư.

Không gian chung riêng bố trí mạch lạc trên nền nhà bằng phẳng, không phân chia tam cấp, ngũ bậc, dễ dàng cho cha mẹ già di chuyển và sinh hoạt, ngay cả những khi trái gió trở trời, bệnh thấp khớp tái phát khiến đi lại khó khăn.

Sàn nhà được lót gạch slate thô nhám chống trơn và dễ lau chùi là giải pháp cho nỗi lo lắng về nguy cơ trượt ngã đặc biệt trong mùa nồm ẩm.

Hai phòng riêng tách biệt cho mẹ hay khó ngủ, còn cha thì lại ngáy to.

Khu bếp chữ I cho mẹ thích nấu ăn ưa gọn gàng tiện lợi, bàn gỗ ngoài sân cho cha thích uống trà tán chuyện cùng hàng xóm.

Nội thất trong nhà chẳng cột kèo rườm rà, lựa chọn những thiết bị đơn giản, dễ lau chùi dọn dẹp. Ví dụ như chiếc bàn ăn lớn bằng gỗ nguyên khối không có chân mà được xử lý treo lơ lửng vừa giúp ông bà dễ dàng quét dọn mà không phải lúi cúi đau lưng vừa tạo điểm nhấn thú vị cho không gian. Hay chiếc ghế mây dài ở phòng khách chỉ cần nhấc nhẹ là dễ dàng lùa chổi, mỗi năm hai lần dùng chổi lông gà phủi bụi là sạch bong.

Cách bố trí đơn giản nhưng không nhàm chán
Bàn ăn treo lơ lửng được thiết kế để có thể cơ động mở rộng khi nhà đông khách

Giữa ông và bà, dù chẳng nói thành lời cũng có thể thấy được kết nối “mấy mươi năm” qua những quan tâm ân cần họ dành cho nhau trong đời sống thường nhật. Mối liên kết đáng trân trọng ấy được kiến trúc sư tiếp tục bằng thiết kế chuyển tiếp nhẹ nhàng giữa các khu vực công năng, để đứng ở đâu ông bà cũng có thể nhìn hoặc nghe thấy nhau.

Khu sinh hoạt chung là dòng chảy tiếp nối của gian khách – bàn ăn – bếp – nhà vệ sinh. Trong không gian này, ông bà có thể dễ dàng để ý và chăm sóc cho nhau. Ngồi xem tivi, ông có thể thấy bà đang nhặt rau trên bàn hay nghe tiếng bà lách cách nấu ăn trong bếp. Bà dù làm gì, ngước mắt lên cũng có thể “bắt trọn” được ông trong tầm ngắm: “Ông bê giúp tôi mâm cúng”, “Ông lấy giúp tôi cái này cái kia”.

Khu sinh hoạt riêng gồm hai phòng ngủ cách nhau bởi một hành lang, tuy xa mà gần, chỉ cần gọi khẽ một câu, đối phương đều có thể có mặt ngay lập tức.

Kết nối với tự nhiên

Maison A là công trình ở vùng biển Hải Hậu, Nam Định, với đặc tính khí hậu khá khắc nghiệt với mùa đông lạnh giá, đông xuân nồm ẩm, mùa hè nắng gắt số giờ nắng nhiều, hè thu nhiều mưa bão, không khí chứa muối có tính ăn mòn cao thì việc tạo một không gian kết nối với thiên nhiên như mong muốn của gia chủ là một bài toán khó.

Bằng những tính toán kỹ lưỡng, kiến trúc sư đã đưa ra phương án thiết kế nhà đóng mở linh hoạt để tận dụng sự trong lành thoáng mát của khí hậu vùng ven biển nhiệt đới đồng thời khắc phục nhược điểm của điều kiện tự nhiên:

Lựa chọn hướng nhà chính Tây hợp mệnh đồng thời tránh gió mùa Đông Bắc buốt giá vào mùa Đông.

Thiết kế mặt tiền 3 lớp vật liệu: Tường gạch bông gió – cây xanh – vách kính để kết nối trong ngoài đồng thời làm mát, chống nắng nóng cho nhà chính Tây. Bàn trà của ông được đặt ở đây, bóng đổ của gạch thông gió và tán cành của lớp thực vật in lên mặt bàn tạo cảm giác thư thái vô cùng.

Mặt nhà hướng Nam, ngay khu vực bàn ăn, sử dụng vách kính thay cho tường gạch có tác dụng lấy ánh sáng tự nhiên. Vách kính có khả năng cơ động, mở thành cửa để đón gió biển từ hướng Nam thổi vào.

Sử dụng vật liệu tự nhiên từ địa phương có khả năng chịu nhiệt, chịu tác động và chịu ăn mòn để xây dựng nhà kiên cố chống bão, tán ẩm, tản nhiệt: Lớp gạch bông gió đặt riêng tại Bát Tràng được nung ở nhiệt độ cao trở thành sành; đá slate từ Sơn La lát sàn và lợp mái thay cho ngói; đá hộc và đá tấm địa phương để làm lối đi hành lang và tiểu cảnh; đá ong Sơn Tây làm vách ngăn, tạo điểm nhấn.

Bàn trà của ông trước lớp gạch bông và dưới tán cây

Kết nối thời gian

Mối nối giữa hiện đại và truyền thống là vấn đề khiến kiến trúc sư lưu tâm nhất, bởi đối với Maison A, hiện đại tiện nghi theo mong muốn của người con thôi là chưa đủ, nó cần phải lưu giữ lại nét truyền thống, nếp gia phong của ngôi nhà cũ nơi thân thuộc và gắn bó của ông bà.

Để ông bà không cảm thấy xa lạ, lạc lõng hay mất nhiều thời gian làm quen với không gian mới, những chất liệu và hình ảnh quen thuộc, gợi nhớ về nếp nhà cũ đã được nhà thiết kế sử dụng một cách tinh tế.

Màu đỏ ngói lợp được gợi nhớ qua màu của bức tường gạch bông gió đầu hồi.

Chum nước đầu hồi gợi nhớ về những ngày hứng mưa lấy nước sinh hoạt.

Giường ngủ dạng phản gợi nhớ về những mùa gió lào mất điện, cả nhà nằm hóng mát quạt nan phe phẩy.

Khu tiểu cảnh ở đầu nhà và cuối hành lang, bức tường phòng khách in tiêu bản lá gợi nhớ về vườn chuối quen thuộc trước đây.

Thiết kế kết nối của Maison A đã đưa đến một không gian ưu sinh, vừa tiện nghi vừa hài hòa, vừa hiện đại vừa hoài cổ, hiện thực hóa ước mơ thơ bé của người con xa nhà, để dù không thể ở bên nhưng anh vẫn có thể quan tâm và chăm sóc cha mẹ già theo cách riêng của mình.

“Ai về tôi gửi buồng cau

Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy

Ai về tôi gửi đôi giày

Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.”

THÔNG TIN CÔNG TRÌNH

  • Tên công trình: Maison A
  • Tư vấn thiết kế: NGHIA-ARCHITECT
  • Địa điểm: xóm 11, xã Hải Sơn, Hải Hậu, Nam Định
  • Diện tích xây dựng: 78 m2
  • Năm hoàn thành: 2017

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *