Thị xã Sa Pa (Lào Cai): Dự án nhà phố có nguy cơ ‘nuốt’ mất con đường đá lịch sử hàng trăm năm?

Con đường bậc đá mang tính biểu tượng hàng trăm năm nay của thị xã Sa Pa hàng năm thu hút hàng triệu du khách, có nguy cơ chỉ còn là quá khứ khi dự án: Nhà phố thương mại, dịch vụ ẩm thực, khách sạn trên Phố Cầu Mây của Liên danh Công ty TNHH đầu tư Tây Bắc và Công ty TNHH mặt trời Phú Quốc được triển khai xây dựng nằm đè lên con đường này – vốn đã có từ thủa khai sinh lập địa. Theo người dân sinh sống tại đây, con đường không chỉ phục vụ dân sinh mà còn là biểu tượng riêng trong lòng mỗi du khách đến với Sa Pa. Đồng thời nó còn là minh chứng lịch sử đối với địa phương này.

Những dấu ấn văn hóa lâu đời được người dân lưu lại Quy hoạch nào có thể cho phép xây dựng công trình trên con đường đá lịch sử hàng trăm năm với dấu ấn riêng của SaPa?

Theo người dân tại đây, dự án nhà phố thương mại, dịch vụ ẩm thực, khách sạn trên phố Cầu Mây đã lấy đi một phần con đường bậc đá kéo dài từ Nhà thờ Sa Pa xuống chợ và nối với con đường xuống xã Cát Cát, Sín Chải. Thời điểm dự án chưa được triển khai nó góp phần thuận tiện cho việc đi lại của người dân, giao thương buôn bán hàng hóa. Nơi đây đã có nhiều dấu ấn với đồng bào, nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa, là nơi giao lưu gặp gỡ của các phiên chợ tình – một nét văn hóa độc đáo vùng miền thu hút nhiều khách du lịch khắp nơi đến với Sa Pa.
Con đường này không chỉ nối liền các địa điểm tham quan du lịch như Nhà thờ đá Sa Pa, đền Hàng Phố, bản Cát Cát, bản Sín Chải mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của những hộ kinh doanh nằm trên phố Tuệ Tĩnh và phố Fansipan.

Người dân chỉ vị trí con đường dân sinh đang bị dự án lấn chiếm

Cũng theo một số người dân họ không biết đơn vị nào đang thi công tại đây, cũng không có biển thông tin về dự án, khu vực được quây kín tôn. Chỉ khi những hạng mục công trình được thi công vượt quá những tấm tôn che chắn thì người dân ở đây mới phát hiện ra việc dự án này đã nằm đè lên đường dân sinh và một phần con đường bậc đá lịch sử đã bị đập bỏ khiến họ không khỏi hoài nghi về tính pháp lý của dự án trên.

Hiện toàn bộ diện tích công trình đang được quay kín tôn, bên trong những tấm tôn cao chừng 2 mét nhiều hạng mục kiên cố như nền móng và cột bê tông đã được hoàn thành nhưng lại bị tạm ngưng thi công bởi những khiếu kiện về việc đòi lại con đường dân sinh của người dân nơi đây.

Vị trí con đường bậc đá cổ đã bị phá đi?

Cũng theo một số người dân, con đường này rộng khoảng 6 mét nhưng dự án trên đã lấn một đoạn đường dài khoảng 50 mét, nếu muốn di chuyển qua khu vực này thì phải đi theo đường vòng mất một đoạn khá xa. Con đường vòng theo như người dân ngoài sự bất tiện cho việc đi lại, còn bị che chắn tầm nhìn lên đỉnh Fansipan, Vậy con đường đá kéo dài từ nhà thờ xuống chợ cũ Sapa nay có bị biến mất không?

Theo tấm bản đồ quy hoạch dự án Nhà phố thương mại, dịch vụ ẩm thực, khách sạn phố Cầu Mây Thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa (nay là Thị xã Sa Pa) là Liên danh Công ty TNHH đầu tư Tây Bắc và Công ty TNHH mặt trời Phú Quốc.

 

Vùng khoanh đỏ thể hiện dự án nằm đè lên đoạn đường dân sinh nối từ phố Cầu Mây đến Tuệ Tĩnh

Cũng theo một nguồn tin của PV, Liên danh này phải cung cấp toàn bộ hồ sơ dự án trên và các giấy tờ khác có liên quan như; giấy chấp thuận đầu tư, giấy phép xây dựng…gửi về UBND huyện Sa Pa trước ngày 26/11/2019 (qua Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Sa Pa; nay là Thị xã Sa Pa) nhưng giữa tháng 12 năm 2019 các đơn vị này vẫn chưa cung cấp hồ sơ gửi về.

Theo Nhóm PV/Thanh Niên Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *