Vì mẹ cần được được giúp đỡ, Mom Apron House ra đời

Nhà, nơi chốn bình an mà ai ai cũng muốn trở về mỗi khi mỏi mệt, chẳng phải là vì có mẹ hay sao? Thế nhưng, khi mẹ mỏi mệt, Nhà có phải nơi mẹ muốn về hay không? Khi nơi các thành viên nghỉ ngơi lại là nơi mẹ phải thực hiện sứ mệnh không thể thoái thác? 

Vì mẹ cần được giúp đỡ!

Câu chuyện nghề mà Story Architecture muốn kể lần này là Mom Apron House – Ngôi nhà được sinh ra từ những trăn trở về sự khó khăn của người mẹ trẻ trong xã hội hiện đại. Vốn dĩ ban đầu, theo hình dung của chúng tôi, ngôi nhà sẽ đặt trọng tâm thiết kế vào những đứa trẻ bởi gia chủ là một gia đình biết cách trân trọng cuộc sống, những điều mà họ quan tâm là một thiết kế cho những kết nối chất lượng, cho sức khỏe, cho sự phát triển của những mầm non.

Nhưng khi đóng vai người quan sát để tìm phần hồn cho chiếc tổ sắp xây dựng, chúng tôi gặp trăn trở bởi hình ảnh của mẹ trong gia đình, vòng lặp không ngừng nghỉ giữa ra ngoài kiếm tiền và trở về chăm sóc con cái dường như đã khiến người mẹ phải gánh vác nhiều hơn. Dù có được sự hỗ trợ từ người bạn đời nhưng thực tế không cho phép mẹ có quyền lựa chọn: mẹ có vai trò chính trong quá trình nuôi dưỡng con cái và chăm nom cuộc sống gia đình.

Điều này đã dẫn đến một sự thật khó có thể giấu diếm là người mẹ có quá ít thời gian dành cho bản thân mình cùng với những căng thẳng tại nơi làm việc và sự hao mòn của công việc nội trợ, những người mẹ trẻ hiện nay dễ dàng rơi vào tình trạng căng thẳng quá mức. Sự đa nhiệm mà mẹ ít có quyền từ chối khiến Story Architect nhận ra rằng: Mẹ cần được giúp đỡ! Chúng tôi không có quyền năng đưa mẹ ra khỏi vòng lặp khó khăn của cuộc sống, nhưng chúng tôi có thể thông qua chuyên môn của mình để tạo nên một phương tiện đồng hành với mẹ trong quá trình “làm mẹ”.

Đặt trọng tâm thiết kế vào mẹ, lựa chọn hình ảnh chiếc tạp dề chứ không phải điều gì lớn lao, chúng tôi lựa chọn đồng hành và hỗ trợ mẹ trong quá trình dung dưỡng gia đình, hình ảnh bình dị nhưng đủ sức nặng để dung chứa tất cả những tâm tư của đội ngũ thiết kế.

“Nhà” khi ấy không phải là sự bù đắp mà phải trở thành không gian của sự sẻ chia.

Đây là câu trả lời cho suy nghĩ của Story Architecture: “Nhà, nơi chốn bình an mà ai ai cũng muốn trở về mỗi khi mỏi mệt, chẳng phải là vì có mẹ hay sao? Thế nhưng, khi mẹ mỏi mệt, Nhà có phải nơi mẹ muốn về hay không? Khi nơi các thành viên nghỉ ngơi lại là nơi mẹ phải thực hiện sứ mệnh không thể thoái thác?”

Sự sẻ chia ấy không chỉ đơn phương là những cài cắm trong thiết kế của Mom Apron House mà những thành viên trong gia đình cũng sẽ góp phần tạo nên. Mẹ sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, cởi bỏ bớt căng thẳng và thấy được sự biết ơn của gia đình với những nhọc nhằn thầm lặng, mà đôi khi sự chia sẻ ấy chỉ đơn giản là khoảng thời gian con tự chơi ngoan trong tầm mắt mẹ.

Thấu hiểu là vậy, nhưng bài toán thiết kế cần đong đếm trong khoản ngân sách của gia đình trẻ, thay vì tập trung vào những công nghệ giúp mẹ rảnh tay, lựa chọn tối ưu không gian cho hoạt động thường ngày của mẹ là tốt hơn cả. Vì thế:

Bếp được đưa vào trung tâm ngôi nhà, dưới khoảng thông tầng kết nối trực tiếp với tầng 2, mở tầm nhìn ra các phòng lân cận bằng các cửa mở rộng nhằm tăng khả năng bao quát của mẹ. Trong lúc nấu nướng, mẹ vẫn có thể coi sóc con cái bằng cách nhìn quanh hoặc lắng nghe. Việc chăm sóc những đứa trẻ dưới 6 tuổi đôi khi chỉ là để chúng tự hoạt động trong tầm quan sát của người lớn. Một không gian mở, đơn giản, dễ tìm kiếm sẽ giúp mẹ tìm thấy lũ trẻ ngay khi chúng cần sự giúp đỡ mà không cần phải hoảng loạn mở cửa từng khu vực mỗi khi nghe thấy tiếng khóc.

Từ khu bếp trung tâm này, mẹ có thể tới ngay tại khu vực hiên, sân nhà, phòng khách trong mặt bằng của tầng một. Bằng cầu thang sát diện tường khu bếp, mẹ cũng có thể xuất hiện ngay tại khu vực bàn học và vui chơi ở hành lang tầng 2 nơi được thiết kế với kích thước rộng rãi và được lắp hệ lan can sắt kiên cố. Không phải ngẫu nhiên mà các khu vực vui chơi của lũ trẻ lại được tập trung xung quanh bếp, tất cả đều nhằm mục đích rút ngắn khoảng cách giữa mẹ và con, đặc biệt đối với những đứa trẻ ở giai đoạn đầu đời, mẹ gần như là cuộc sống của chúng.

Để giúp mẹ được thư giãn, giếng trời ngay phía trên khoảng thông tầng sẽ đem ánh sáng tự nhiên tán xạ qua mái và các luồng gió mát lùa trải xuống toàn bộ khu vực bếp. Không chỉ mẹ được vơi đi sự căng thẳng, lũ trẻ cũng sẽ có được môi trường phát triển lành mạnh trong vòng tay của nắng và gió.

Không chỉ mẹ mà với bố, với thiết kế ít ngóc ngách, thông mở của ngôi nhà, dù đang ở phòng khách, phòng làm việc hay ở ngoài sân, chỉ cần nghiêng người cũng có thể thấy mẹ ở khu bếp và hỗ trợ kịp thời khi mẹ cần được giúp đỡ.

Ở Việt Nam, trẻ em thường ngủ với bố mẹ đến khi chúng được hơn 6 tuổi. Điều này tuy đem lại sự gắn kết tuyệt vời giữa các thành viên trong gia đình nhưng lại làm giảm đi chất lượng giấc ngủ của mẹ. Vì thế, phòng ngủ của gia đình vẫn được tổ chức trong không gian chung nhưng lũ trẻ sẽ có giường được thiết kế riêng, tách giường cha mẹ bằng bàn làm việc. Nhờ đó, giấc ngủ của mẹ được đảm bảo hơn, khi con cần hỗ trợ mẹ cũng sẽ phát hiện lập tức, con không mất đi quyền lợi của mình, khẽ chìm vào giấc ngủ êm một lần nữa dưới bàn tay vỗ về của mẹ.

Như thế, trong khoảng sân đầy hoa nắng, Mom Apron House đã làm tròn nhiệm vụ của mình, như chiếc tạp dề của mẹ, bên cạnh và cùng mẹ chăm sóc gia đình nhỏ. Trong tổ ấm mới này, ngày qua ngày, những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên và những câu chuyện cũng sẽ dần lấp đầy ngôi nhà nhỏ, giống như cái cách mà mẹ đeo tạp dề, mỗi ngày, chăm chút cho đời sống gia đình được phong phú, bình yên.

Thúy Hiền

Thiết kế: Story Architecture

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *